Đối ngoại Justinianus_I

Tổng quan

Bản đồ Đế quốc Đông La Mã vào thời điểm Justinianus băng hà năm 565.

Vào thế kỷ thứ V, nửa phía tây của Đế quốc La Mã đã không còn nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của hoàng đế. Đế chế Tây La Mã đã diệt vong vào năm 476/80, và vì Đông, Tây La Mã trên hình thức chưa bao giờ là hai quốc gia tách rời nhau, nên quyền cai trị toàn lãnh thổ của đế quốc rơi vào tay vị Augustus duy nhất còn lại ở Constantinopolis. Trong con mắt của Justinianus, chính sách phương Tây của ông về cơ bản không phải là chính sách đối ngoại, vì các nhà cầm quyền (Đông) La Mã chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền ở đế quốc phía Tây. Họ được phần lớn các vị vua ngoại tộc đã chia cắt lãnh thổ phía Tây tôn làm chúa thượng, tuy nhiên, nửa phía tây de facto (trên thực tế) hoạt động không theo ý muốn của Constantinopolis. Justinianus, người được xem như là người cuối cùng xem tiếng Latinh như là tiếng mẹ đẻ, tỏ ra không hài lòng với tình trạng này một chút nào và tìm cách khôi phục quyền kiểm soát trực tiếp của hoàng đế lên khắp thế giới hậu cổ đại (ecumene, Restauratio imperii). Và dưới tư cách là một vị hoàng đế Ki-tô giáo, ông thấy bổn phận của mình là phải phục hồi Đế quốc La Mã về với biên giới cổ đại của nó. Dưới thời trị vì của ông, một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía tây của đế quốc La Mã cổ đại đã dành lại được bằng vũ lực.[32] Tuy nhiên, Justinian chưa bao giờ đích thân ra trận, gần như công cuộc tái chinh phục đều do tướng Belisarius đảm nhiệm.[N 2]

Liệu những cuộc tái chinh phạt này có được ấp ủ từ trước trong thời gian dài hay không vẫn đang gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Trong thời gian gần đây, quan niệm lâu đời này đã bắt đầu bị giới nghiên cứu đặt dấu hỏi. Thay vào đó, có lẽ sau khi viên tướng Belisarius dưới trướng Justinianus giành được nhiều thắng lợi ngoài mong đợi trước người Vandal vào năm 534, người ta mới bắt đầu theo đuổi các mục tiêu khác. Những cuộc chiến của Justinianus được sử gia đương thời Procopius của Caesarea ghi chép trong các tác phẩm viết bằng tiếng Hy Lạp bao gồm 8 quyến của ông.

Những cuộc chiến với người Ba Tư

Trọng điểm của nền chính trị Đông La Mã không phải là ở phương Tây, mà là ở phía Đông, nơi mà người La Mã đã phải đối đầu với đế chế Sassanid hùng mạnh trong suốt ba thế kỷ liền. Cuộc chiến tranh Ba Tư đầu tiên dưới triều Justinianus là một di sản kế thừa từ triều đại của người tiền nhiệm, Justinus I; đã khởi tranh từ năm 526.[33] Tại Lưỡng Hà, Belisarius trên cương vị là viên magister militum per Orientem mới đã dành những thắng lợi đầu tiên trong những năm 530/531 (tại trận Dara), nhưng cũng phải hứng chịu ít nhiều thất bại (điển hình là Trận Callinicum năm 531). Nhằm ăn mừng thắng lợi tại Dara, hoàng đế đã cho xây dựng một pho tượng kỵ sĩ cưỡi chiến mã mà ngày nay đã biến mất. Chữ khắc được thực hiện bởi viên praefectus praetorio Flavius ​​Iulianus đã được ghi chép lại (hợp tuyển Hy Lạp 16,63), ca ngợi vị hoàng đế vì đã hủy diệt người Meder (tức là người Ba Tư)". Năm 531, Justinianus đã tổ chức đại lễ ăn mừng chiến thắng nhằm phô trương những thắng lợi trước người Ba Tư và Bulgar. Tuy nhiên sự thật thì cuốc chiến kết thúc mà không có người chiến thắng rõ ràng. Đối với vị vua Sassanid mới Khosrau I, Justinianus đã thiết lập nền "Hòa bình vĩnh cửu" vào cuối năm 532 với việc phải cống nộp một số lượng tiền bạc không hề nhỏ (lên tới 11.000 cân Anh vàng) cho người Ba Tư.[34] Sự yên ổn ở phương Đông này mới khiến cho chính sách phương Tây của Justinianus thành hiện thực, vì nó đã đòi hỏi lượng lớn nguồn lực của Đông La Mã.

Vào năm 540, chiến tranh một lần nữa lại nổ ra khi mà vua Ba Tư phá vỡ hiệp ước hòa bình.[35] Theo Procopius, thì đằng sau hành động của Khosraus là mối lo ngại rằng một đế chế La Mã mới có thể huy động thêm nguồn lực để chống lại Ba Tư. Ngoài ra, việc người Ostrogoth sang cầu cứu Ba Tư cũng có thể đã đóng một vai trò quan trọng. Nhưng lý do chính cho cuộc tấn công Ba Tư có lẽ là do thời điểm thuận lợi: Khosrou I là một người tham vọng, mong muốn tìm kiếm vinh quang quân sự và hơn cả là đang cần tiền. Vào lúc bấy giờ, tỉnh Syria của La Mã chỉ được phòng thủ lỏng lẻo. Có lẽ Khosrau chỉ muốn đưa quân vào cướp bóc, đến khi kiếm được đủ tiền thì đình chiến. Hơn nữa, sức mạnh của người Hephthalite vốn đe dọa Ba Tư từ phía đông bắc suốt cả thế kỷ nay đã suy yếu, giúp Khosrau có thể toàn tâm toàn lực tập trung vào phương tây mà không lo sợ bị đánh từ sau lưng.

Bản đồ khu vực phía Đông biển Đen, màu xanh lục nhạt là vương quốc Lazica, một trong những tâm điểm của cuộc tranh chấp.

Justinianus dường như đã được biết đến kế hoạch tấn công từ năm 539, nhưng đã không kịp thời gửi quân tới sông Euphrates khi đang bận đối mặt với chiến tranh với người Goth, và số lượng quân tiếp viện đã hứa chỉ đến với số lượng rất nhỏ. Tướng Germanus được cử đến Antiochia chỉ với 300 người và chẳng làm được điều gì. Người kế nhiệm Belisarius của ở phía Đông, viên magister militum Buzes đã phải chiến đấu cùng các binh sĩ La Mã địa phương, những người bị áp đảo bởi quân đội Ba Tư đông đảo. Buzes rút lui đến một vị trí phòng thủ tại Hierapolis và chờ đợi. Những thành phố quan trọng nhất trong khu vực đều mở cửa ra hàng Khosrau. Nhưng thảm họa lớn nhất đối với những người La Mã lúc đó chắc chắn cuộc chinh phục, cướp bóc và phá hủy đại đô thị Antiochia (6000 quân đồn trú đều được cho phép rút khỏi thành phố).[36] Sau khi chiếm được thành phố, Khosrou thu thập lượng một kho báu khổng lồ và bắt rất nhiều tù nhân đưa về Ba Tư, nơi họ đã định cư tại một thành phố riêng biệt nằm gần kinh đô Ctesiphon. Khosrou đã ra biển đễ thực hiện nghi lễ tắm và hiến tế cho thần mặt trời. Nhiều thành phố khác đã may mắn hơn Antiochia khi họ đã dùng tiền mua được sự tự do hoặc đã chống trả được các cuộc tấn công của người Ba Tư. Tại thành phố Apamea bên bờ sông Orontes, sau khi họ mở cửa thành đầu hàng, Khosrau đã tổ chức đua xe ngựa, và đã đứng theo kiểu của một hoàng đế La Mã nhằm khiêu khích Justinianus. Khosrau đưa ra đề nghi hòa bình mới cho người La Mã, nhưng Justinianus dường như đã mất niềm tin vào người Sassanid nên đã từ chối. Chiến tranh vẫn tiếp diễn và người La Mã đã phải phải mất khá lâu để ổn định tình hình. Quân đội Đông La Mã (theo Agathias thì quân lực La Mã có khoảng 15 vạn, nhưng trên thực tế thì nhiều khả năng phải là trên 30 vạn người) phải giao chiến trên hai mặt trận, với người Ostrogoth ở phía Tây và người Ba Tư ở phía Đông. Hơn nữa, khu vực Balkan cũng bị đe doạ bởi sự cướp bóc của người Avarngười Slav.

Bản đồ khu vực biên giới La Mã - Ba Tư năm 565 vào thời điểm Justinianus qua đời. Cho dù giao tranh khốc liệt, biên giới hai nước gần như vẫn status quo ante bellum

Chiến trường phía đông kéo dài từ vùng Caucasus (đặc biệt là ở Armenia, nơi tướng Sittas của Đông La Mã hoạt động khá thành công cho đến khi ông này qua đời năm 539. Kể từ năm 541, pháo đài quan trọng Petra bên bờ Biển Đen là một nơi giao tranh quyết liệt) cho đến Lưỡng Hà. Điểm chốt chính của cuộc giao tranh giữa người La Mã và người Ba Tư chủ yếu là Lazika, một vương quốc nhỏ nằm bên bờ Biển Đen, đã nằm dưới tầm ảnh hưởng của người La Mã kể từ những năm đầu thế kỷ thứ VI (cũng giống như vương quốc Colchis trước đó). Cuộc chiến giữa người La Mã và Ba Tư còn tiếp tục đến năm 561/62 (bị gián đoạn bởi một hiệp ước đình chiến nhưng không bao gồm Lazika) đã hút cạn nguồn lực Đông La Mã. Không giống như người ta thường nghĩa, Justinianus không bao giờ bỏ ngỏ biên giới phía đông để tập trung cho cuộc chinh phục của mình ở phương Tây. Khi mặt trận phía Đông bị bế tắc và người Ba Tư phải đối mặt với một kẻ thù mới - người Đột Quyết - vào khoảng năm 560, họ đã sẵn sàng giảng hòa với những người La Mã vào năm 562. Theo hiệp ước này mà Petrus Patricius đã đàm phán cho Justinianus, người Ba Tư giao quyền kiểm soát Lazika cho người La Mã - có nghĩa là Justinianus cuối cùng vẫn có thể bảo vệ biên giới phía đông, mặc dù ông phải trả 400 hoặc 500 cân Anh vàng mỗi năm.[37] Không rõ ràng các khoản tiền cống nộp của người La Mã có ảnh hưởng nhiều đến quốc khố Đông La Mã hay không. Tuy nhiên, người La Mã có lẽ chủ yếu là không hài lòng với nghĩa vụ cống nạp này. Người kế nhiệm Justinianus là Justinus II sau đó cũng đã cố gắng để sửa đổi hiệp ước này - nhưng với hậu quả tai hại.

Kể từ năm 540, đại đa số quân La Mã được triển khai ở phương Đông. Điều này góp phần vào việc kéo dài cuộc chiến ở Ý. Tại vùng Caucasus và Lưỡng Hà ít nhất hai đội quân La Mã lớn đã cùng hoạt động. Trong khi ở phía Đông, Justinianus chỉ tập trung vào phòng thủ hơn và dành nhiều thời gian hơn với tình hình ở phương Tây, nhưng ông chỉ gửi quân đội đến Ý khi ông nghĩ rằng mình không còn cần họ ở phía Đông nữa. Bằng cách kết hợp các phương tiện ngoại giao và quân sự, hoàng đế cuối cùng đã có thể giữ vị trí của La Mã trước Ba Tư. Việc phải cống nộp hàng năm tuy không nghiêm trọng là mấy, nhưng được coi là một điều nhục nhã. Do đó, kể từ năm 572, người kế nhiệm ông là Justinus II lại bắt đầu giao tranh với người Sassanid - nhưng điều này chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm, và chỉ được tạm thời chấm dứt vào năm 591 dưới thời Maurikios trước khi Khosrau II phát động cuộc chiến Ba Tư-La Mã lớn nhất và cuối cùng.

Các mối đe dọa ở vùng Balkan

Bản đồ vùng Balkan cuối thế kỷ thứ VI, đầu thế kỷ thứ VII.

Trong suốt triều đại của Justinianus, vùng Balkan đã không bao giờ được yên ổn. Người Avar, Slav và Hun luôn rình rập tấn công, vì thế, bằng một nỗ lực đáng kể, hệ thống pháo đài đã được mở rộng và đổi mới. Ngoài ra, doanh trại của các quân đoàn La Mã tại Singidunum bên bờ sông Danube đã bị phá huỷ hàng thập kỷ trong những cuộc tấn công của người Hung và người Goth đã được xây dựng lại thành một kastron (là nền móng của thành phố Beograd thời Trung Cổ). Tuy nhiên, những biện pháp này tỏ ra không đủ để đảm bảo sự an toàn của các tỉnh Moesia hay Thracia nằm ở hạ lưu sông Danube: Vùng nội địa này luôn phải hứng chịu những đợt cướp bóc, đặc biệt là tại khu vực biên giới Danube vốn đã bị bỏ ngỏ từ lâu. Năm 545, quân đội Đông La Mã giành được tộc người Antes như là đồng minh mới của mình, qua đó bảo đảm một phần của đường biên giới lỏng lẻo này.

Trong các năm 548 và 550, người Xla-vơ lần đầu tiên thâm nhập vào sâu trong bán đảo Balkan đến tận vịnh Corinth, Adriatic và bờ biển Aegea sau khi vượt sông Danube. Sự xâm nhập của các bộ tộc Slav sẽ càng trở nên rõ rệt trong những thập kỷ sau đó, và là kết quả của chính sách của Justinianus dẫn đến một sự xáo trộn nhân khẩu cũng như xã hội hoàn toàn mới trên bán đảo Balkan và kết quả là để quốc phải thực hiện các chiến dịch quân sự tốn kém và cũng như những cạnh tranh trong hoạt động truyền giáo với giáo hội Công giáo trong suốt nhiều thế kỷ. Vào năm 559, những kẻ xâm lược người "Hung" (có lẽ là người Kutrigur) dưới sự chỉ huy của Thiền vu Zabergan đã thâm nhập đến vùng lân cận của Constantinopolis và đã đe doạ kinh đô của đế quốc. Tuy nhiên, họ đã bị Belisarius đánh bại. Tuy nhiên, Alexander Sarantis, trong một nghiên cứu toàn diện gần đây đã đánh giá lại chính sách Balkan của Justinian tích cực hơn so với các nghiên cứu khác trong quá khứ; Việc đánh mất vùng Balkan về sau này dường như là không thể tránh khỏi.

Một vài năm sau khi Justinianus qua đời, pháo đài chủ chốt Sirmium (ngày nay Sremska Mitrovica) đã thất thủ trước sự tấn công của người Avar và bộ tộc Slav vào năm 582. Mặc dù một trong những người thừa kế của Justinianus, hoàng đế Mauricius, đã dành rất nhiều tâm huyết cho các chiến dịch nhằm củng cố tình hình. Tuy nhiên, ông cuối cùng cũng chỉ có thể trì hoãn cuộc chinh phục Balkan của người Xla-vơ, bởi vì những người kế vị ông đã đều không dành cho sự phòng thủ tại khu vực Balkan sự chú ý cần thiết. Từ kết quả của sự di cư của người Xla-vơ vào thế kỷ thứ VI và hoạt động truyền giáo của giáo hội Chính thống giáo Đông La Mã sau này, vòng văn hóa Đông La Mã có biên giới tự nhiên là sông DrinaSava.

Chiến tranh với người Vandal

Bài chi tiết: Chiến tranh Vandalic
Vị trí của vương quốc Vandal ở Bắc Phi

Cuộc chiến chống lại vương quốc của người Vandal ở Bắc Phi (bao gồm với Tunisia và đông bắc Algériea) ban đầu được bắt đầu như là một cuộc thảo phạt thay vị một cuộc xâm lược. Vua Hilderich, cũng giống như phần lớn những người Vandal khác theo giáo phái Arian của Thiên Chúa giáo, nhưng khác hẳn với những người tiền nhiệm, ông là một người không thù nghịch với Công giáo và là cháu ngoại của hoàng đế Valentinianus III. Do là một người thân La Mã, Hilderich bị nhiều người ghen ghét và cuối cùng bị một người em họ tên là Gelimer lật đổ. Bị quản chế trong tù, vị cựu vương cho người cầu cứu hoàng đế. Justinianus, trong vai trò là chúa tể của phương Tây, hạ chiếu ra lệnh phục vị cho Hilderich nhưng đã bị bác bỏ. Sau đó, tại Constantinopolis nổ ra một cuộc tranh luận kéo dài, họ quyết định can thiệp quân sự vào vương quốc Vandal và chọn một người thích hợp làm vua. Do chiến dịch chinh phạt người Vandal cuối cùng hơn nửa thế kỷ trước kết thúc với thất bại thảm hại, nên cuộc can thiệp quân sự lần này chỉ ở lại mức độ hạn chế.

Bản đồ cuộc chiến tranh Vandalic

Belisarius là người nhận trọng trách thống lĩnh quân đội viễn chinh, khởi hành vào năm 533, tức là 1 năm sau khi hiệp ước hoà bình với Ba Tư được ký kết. Năm 533, Belisarius với đội tàu gồm 92 tàu dromon hộ tống, 500 tàu chở quân, đã đổ bộ vào Caput Vada (Ras Kaboudia hiện đại), thuộc Tunisia ngày nay, với một đội quân có khoảng 20.000 lính (bao gồm 15.000 quân đội hoàng gia, 1000 foederati và khoảng 5000 buccelarii Belisars) và 30.000 thuỷ thủ. Belisarius hành quân thần tốc, giành được hàng loạt thắng lợi một cách nhanh chóng. Theo Procopius, buccelarii là những người ghánh trọng trách. Vua Vandal vốn không tính đến một cuộc tấn công của người Đông La Mã, nên đã gửi một lượng quân đến Sardinia nhằm dập tắt một cuộc nổi dậy ở đó. Gelimer hành quyết Hilderich, nhưng Belisarius đã đánh bại người Vandal trong trận Ad Decimum. Ngày 15 tháng 9 năm 533, thành Karthago thất thủ. Belisarius lại một lần nữa dành thắng lợi tại trận Tricamarum, Gelimer buộc phải tháo chạy tới núi Pappua ở Numidia và cuối cùng đã ra đầu hàng vào mùa xuân năm sau. Các đảo Sardinia, Corsica, quần đảo Baleares và thành luỹ Septem Fratres ở gần Gibraltar cũng đều được khôi phục.[38] Gelimer bị đưa về Constantinopolis và được đưa ra diễu hành trong lễ khải hoàn. Tại đây, Gelimer cùng Belisarius thần phục Justinianus và được hoàng đế ân xá. Thay vì chọn một vị rex (vua) mới, vương quốc Vandal đã vô tình bị tan rã. Có lẽ bắt đầu từ đây, sau chiến thắng dễ dàng ngoài sức tưởng tượng này, Justinianus mới bắt đầu nảy ra ý định đưa bán đảo Ý về dưới sự cai trị trực tiếp của hoàng đế.

Huy hiệu bằng vàng của Justinianus với giá 36 solidi, có lẽ là nhân dịp chiến thắng trước người Vandal năm 534. Bên phải (mặt sau) là bức vẽ một bức tượng của hoàng đế ở Constantinopolis cùng dòng chữ salus et gloria Romanorum ("sự an toàn và vinh quang của người La Mã)

Ngay từ năm 534, khu vực Bắc Phi đã được tiếp quản theo như các tỉnh khác của Đế quốc. Về mặt hành chính, dưới một viên praefectus praetorio per Africam (Pháp quan thái thú của tỉnh Africa) là 7 viên thống đốc, cai trị 7 tỉnh trong khi về mặt quân sự, một viên magister militum per Africam nắm quyền chỉ huy các duces của các tỉnh Tripolitania, Byzacena, Numidia, Mauretania Caesariensis và Sardinia. Thủ phủ của trấn Africa được đặt ở Carthago, tuy nhiên, trong vòng 15 năm tới, do những cuộc xung đột với người Moor và những cuộc binh biến quân sự, khu vực này đã đứng bên bờ vực sụp đổ. Tướng của Justinianus, Ioannes Troglita, đã có thể dập tắt cuộc nổi loạn của người Moor sau một cuộc chiến trường kỳ và đã có thể định cư những kẻ xâm lược một cách yên ổn. Ngoài ra, nỗ lực khôi phục vương quốc Vandal của Guntarith cũng đã thất bại. Trong một thời gian dài, các nhà nghiên cứu đã cho rằng Bắc Phi đã trải qua một đợt suy thoái sau khi quay về với La Mã, tuy nhiên, những giả thuyết này đã được điều chỉnh bởi các cuộc nghiên cứu mới.[39] Khu vực này sẽ không ổn định cho tới năm 548,[40] nhưng trở nên yên bình và một lần nữa đón nhận sự thịnh vượng trong những năm 600. Chiến dịch tái chinh phục Bắc Phi đã tiêu tốn hết 100.000 cân Anh vàng.[41]

Chiến thắng bất ngờ, nhanh chóng trước vương quốc Vandal đã đánh dấu bước tiến đầu tiên trong triều đại của Justinianus. Vị hoàng đế đã không chỉ đã đạt được một hòa bình dường như lâu dài với người Ba Tư, mà đã lấy lại một khu vực cốt lõi của Đế quốc La Mã bằng một cách dễ dàng. Trong lời tựa của phần cuối của bộ Codex Iustinianus, ông tự tin gọi mình vào tháng 12 năm 534 là IMPERATOR CAESAR FLAVIUS IUSTINIANUS ALAMANNICUS GOTHICUS FRANCICUS GERMANICUS ANTICUS ALANICUS VANDALICUS AFRICANUS PIUS FELIX INCLITUS VICTOR AC TRIUMPHATOR SEMPER AUGUSTUS ("Imperator Caesar Flavius Justinianus, Người chiến thắng người người Alemanni, người Goth, người Frank, người Giéc-manh, người Antes, người Alan, người Vandal và người Phi châu, người khôn ngoan, người may mắn, người nổi tiếng, người chiến thắng (VICTOR) và người chiến thắng (TRIUMPHATOR), Augustus của mọi thời đại“).

Chiến tranh với người Goth

Bài chi tiết: Chiến tranh Gothic

Những thuận lợi ban đầu (535-540)

Diễn biến của cuộc chiến tranh Gothic

Không lâu sau chiến thắng trước người Vandal, Justinianus phát động một cuộc chiến mới ở phương Tây. Qua cuộc chinh phục Bắc Phi, tình hình chiến lược căn bản đã thay đổi, và trong nhiều thập kỷ, lần đầu tiên một cuộc tấn công vào bán đảo Ý đã hứa hẹn thắng lợi. Lý do cụ thể cho sự can thiệp của Đông La Mã tại bán đảo là các cuộc đấu đá nội bộ, tranh giành ngai vàng sau cái chết của vua Ostrogoth Theoderic Đại đế năm 526. Con gái Amalasuntha của ông tìm kiếm sự ủng hộ từ phía đông trong khi người cháu trai của Theodoric là Theodahad lại muốn củng cố vị trí của mình. Sau cái chết của Athalarich, con trai nhỏ của Amalasuntha, vào ngày 2 tháng 10 năm 534, Theodahad đã thành công trong việc tìm kiếm sự ủng hộ và đã được tôn lên làm rex (vua). Sau khi lên ngôi, Theodahad lập tức bắt nhốt Amalasuntha trên một hòn đảo mang tên là Martana trong hồ Bolsena ở miền trung nước Ý ngày nay. Amalasuntha bị giết và Justinianus đã lấy đó làm cơ hội để động binh. Những căng thẳng cuối cùng đã khiến chiến tranh nổ ra vào cuối năm 535, nhưng cuộc chiến chống lại những Ostrogoth kiên cường đã kéo dài hơn dự kiến. Một cuộc tấn công của Đông La Mã vào khu vực Dalmatia thất bại, trong khi Belisarius đã sớm chiếm được SiciliaNapoli. Do liên tiếp gặp thất bại, Theodahad bị quân đội lật đổ, và tôn Witichis lên làm tân vương. Witichis đã tổ chức cuộc kháng chiến khá thành công, nhưng đã đánh mất Rômavào cuối năm 536 vào tay Belisarius. Những nỗ lực tái chinh phục thành phố vốn vẫn còn khoảng 100.000 dân đã thất bại. Những cuộc giao tranh dữ dội, biến động liên tục là một gánh nặng cho người Ý. Thành Milano vừa mới bị Đông La Mã chiếm được, đã nhanh chóng bị người Ostrogoth tái chiếm một cách tàn nhẫn năm 538. Ngoài ra, khắp nơi trên bán đảo nổ ra nạn đói. Năm 538, Narses, một đối thủ cạnh tranh của Belisarius, được phái đến Ý tiếp viện với một đội quân nhỏ. Tuy nhiên, sự bất đồng giữa hai viên chỉ huy đã khiến các cuộc tấn công chống lại người Goth thất bại và Narses sớm bị gọi về Constantinopolis. Ngoài ra, những cuộc tấn công của người Merovinger Frank dưới sự chỉ huy của vua Theudebert I vào miền bắc Ý đã tàn phá triệt để khu vực này, gây nên vô vàn thương vong. Người Frank đã giao chiến chống lại Goth cũng như chống lại người Đông La Mã, mặc dù trước đó họ đã được cả hai bên xem như là một đồng minh có thể.

Thành Ravenna bị Belisarius bao vây thất thủ vào tháng 5 năm 540. Các quý tộc Ostrogoth tỏ ý tôn Belisarius là Hoàng đế Tây La Mã và Belisarius đã chấp thuận.[42] Witichis bị bắt giam, nơi mà ông ta có thể đã chết với tư cách của một patricius vào năm 542. Liệu Belisarius có giả vờ nhận tước vị Hoàng đế Tây La Mã hay không, thì không rõ, nhưng chắc chắn điều này đã đánh thức lòng nghi kỵ của Justinianus, một người không bao giờ tin tưởng các tướng tá của mình trong bất kỳ trường hợp nào và chắc chắn nhất quyết sẽ không bao giờ dung tha cho vị Augustus thứ hai. Điều chắc chắn là Belisarius đã làm một điều quá quyền hạn của mình khi ông bắt giam Witichis trong khi Justinianus đã hứa với người Ostrogoth là sẽ cho họ định cư ở bắc Ý như là foederatus. Belisarius không đồng tình với điều này; Và có lẽ lịch sử đã đi theo một hướng khác nếu như ông tuân theo lời hoàng đế, một vương quốc Ostrogoth ở phía bắc sông Po có thể đã hoạt động như một bộ đệm chống lại sự xâm lăng của người Lombard và người Frank và Ý có thể đã thoát được giai đoạn thứ hai, đẫm máu hơn của cuộc chiến tranh Gothic.

Sự phản kháng của người Goth và cuộc chinh phạt cuối cùng (541-555)

Tình hình ở Ý đã bị đảo ngược và trở nên tồi tệ hơn trong khi chiến sự ở biên giới Ba Tư lại nổ ra. Dưới sự lãnh đạo của các vị vua IldibadEraric (cả hai đều bị sát hại năm 541) và đặc biệt là Totila, người Ostrogoth đã nhanh chóng đảo ngược tình thế. Sau khi dành chiến thắng tại Faenza năm 542, họ đã phục hồi lại các thành phố lớn ở miền nam Ý và nhanh chóng tái chiếm gần như toàn bộ bán đảo. Belisarius đã được gửi trở lại Ý vào cuối năm 544, nhưng chỉ với lượng quân ít ỏi, một phần là do hoàng đế không còn tin tưởng vị tướng giỏi nhất của mình, mặt khác là do đại quân Đông La Mã phải đóng ở phía đông để chống cự người Ba Tư. Giai đoạn hai của cuộc chiến tranh Gothic tỏ ra còn khó khăn hơn lần trước. Cuối năm 546, thành Rômathất thủ vào tay Totila, nhưng lại đánh mất không lâu sau đó. Chiến trường kéo dài khắp bán đảo Ý và đi kèm với sự tàn nhẫn. Không làm được gì để có thể làm tiến triển tình hình, Belisarius bị gọi về và được thay thế bởi Germanus. Germanus đột ngột qua đời chỉ 1 năm sau đó và quyền chỉ huy lại rơi vào tay Narses. Trong khi đó, Totila lần thứ hai chiếm được Rômavào cuối năm 549, nhưng cũng không thể khẳng định mình tại đây. Cuộc chiến này cũng hủy hoại nền quý tộc Nguyên lão Tây La Mã, thứ mà đến khi đó là những người gìn giữ nền văn hoá cổ đại. Vào cuối thế kỷ thứ VI, viện nguyên lão mang truyền thống lâu đời đã biến mất khỏi tất cả các ghi chép.

Trận Mons Lactarius, trận đánh quyết định cuối cùng của người Goth, tranh của Alexander Zick

Chỉ khi một hiệp ước đình chiến đã được ký kết với người Ba Tư vào năm 551 lại, Justinianus mới có thể dời binh sĩ từ mặt trận phía đông sang phía Tây. Cuối cùng, Justinian phái một đội quân gồm khoảng 35.000 người (2.000 người đã được tách ra và gửi sang xâm lăng miền nam Hispania đang nằm dưới sự kiểm soát của người Visigoth) dưới sự chỉ huy của Narses.[43] Quân đội đến Ravenna vào tháng 6 năm 552 và đánh bại quân đội người Ostrogoth dưới sự chỉ huy của, nơi Totila một cách quyết định chỉ trong vòng một tháng trong trận Busta Gallorum trên dãy Apennini. Totila tử trận, khiến người Goth mất một nhà chiến lược tài ba. Sau trận đánh thứ hai tại Mons Lactarius gần núi Vesuv vào tháng 10 năm đó, cuộc kháng chiến của người Ostrogoth cuối cùng đã bị phá vỡ. Năm 554, một cuộc xâm lăng quy mô lớn của người Frank đã bị Narses đánh bại tại Casilinum và đế quốc đã có thể bảo vệ Ý, mặc dù Narses sẽ phải mất vài năm để phá hết các thành trì còn lại của người Goth. Vào cuối cuộc chiến, một đội quân khoảng 16.000 người ở lại đóng tại Ý.[44] Cuộc tái chinh phục Ý đã gây tốn kém khoảng 300.000 cân Anh vàng của Đế quốc.[41]

Cũng giống như Châu Phi, Ý cũng nằm dưới sự quản lý của một viên praefectus praetorio (Pháp quan thái thú); tuy nhiên, đất nước đã bị tàn phá nghiêm trọng. Theo sắc lệnh được Justinianus ban ra năm 554, Ý trở thành một phần của Imperium Romanum. Các chức vụ trước đây vốn được nắm giữ bởi các nghị sĩ Tây La Mã đều bị bãi bỏ, qua đó góp phần không nhỏ vào sự biến mất của tầng lớp quý tộc này. Ý đánh mất vị trí đặc biệt của nó và chỉ được quản lý như một tỉnh bình thường từ Constantinopolis; tuy vùng đất lõi cốt cũ của Đế quốc đã được phục hồi sau hàng thập kỷ, nhưng đã không còn như xưa nữa. Ở một mức độ nhất định, đế quốc Tây La Mã cũng đã cáo chung bằng việc bãi bỏ triều đình La Mã ở Ravenna.[45] Chỉ có Rôma là còn nhận được từ Hoàng đế một số đặc ân, bao gồm việc phục hồi các khoản hiến tặng ngũ cốc miễn phí (annona civica) cho dân số đang bị tàn phá nghiêm trọng. Ban đầu, Narses nhận lệnh xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng ở bán đảo. Tuy nhiên, không lâu sau cái chết của Justinianus, người Lombard tràn vào Ý năm 568 (có thể là sau một nỗ lực thất bại của Narses để người Lombard định cư ở Ý như là foederates) và chiếm một lượng lớn đất đai trên bán đảo. Genova còn tồn tại như là một phần của đế quốc cho đến năm 650, khu vực xung quanh Ravenna (Trấn Ravenna) đến năm 751, Sicilia đến thế kỷ thứ IX và khu vực ở miền nam bán đảo Ý cho đến năm 1071.

Các chính sách đối ngoại khác

Đồng tremissis của Visigoth mang tên JustinianusBản đồ tỉnh Spania của Đông La Mã ở phía nam bán đảo Iberia.

Cuộc viễn chinh xa nhất về phía Tây nhất dưới thời trị vì của Justinianus là việc đưa quân đến Tây Ban Nha. Tỉnh cũ này của đế quốc La Mã kể từ thế kỷ thứ V là nơi cư ngụ của người Visigoth. Vào thời kỳ đầu trong triều đại của Justinianus, cai trị vương quốc Visigoth là vua Theudis. Trong cuộc chiến tranh Vandalic, ông từ chối hỗ trợ vua Vandal Gelimer, nhưng chiếm đoạt pháo đài Septem (Ceuta), nằm trên bờ biển châu Phi của eo biển Gibraltar. Tuy nhiên, vào năm 534, pháo đài này đã được Belisarius chiếm được và người Đông La Mã đã có thể bảo vệ được pháo đài bất chấp cuộc tấn công của người Visigoth vào năm 547. Justinianus sau đó đã lợi dụng xung đột nội bộ trong vương quốc Visigoth để can thiệp. Một quý tộc Visigoth là Athanagild đã nổi dậy chống lại vị vua mới Agila nên đã yêu cầu sự hỗ trợ của hoàng đế La Mã. Hoàng đế đã gửi vị patricius Tây La Mã Liberius đã hơn 80 tuổi đến Tây Ban Nha vào năm 552 cùng 2.000 quân. Điều này cho thấy rằng Justinianus không có tham vọng tái chiếm toàn bộ Tây Ban Nha. Với sự giúp đỡ này, Athanagild đã có thể đánh bại đối thủ của mình và lên làm vua, trong khi người La Mã nhân cơ hội để chiếm lấy một khu vực tương ứng hoặc nhỏ hơn Andalucía ngày nay, bao gồm các thành phố Cartagena, Málaga hay Córdoba, chỉ với nguồn nhân lực và chi phí thấp.[46][47][48] Tuy nhiên, người Đông La Mã đã thể tiến sâu hơn nữa ở Tây Ban Nha. Với cái chết của Justinianus, nỗ lực để tạo thành một đầu cầu ở Tây Ban Nha này dần dần biến mất. Những lãnh thổ cuối cùng của đế quốc dường như đã biến mất vào năm 624. Tuy người Đông La Mã không xuất hiện lâu ở Tây Ban Nha, nhưng vẫn có những ảnh hưởng ở mức độ hạn chế, ví dụ như đối với tập quán của vương quốc Visigoth, chẳng hạn như sự gần gũi giữa giáo hội và triều đình cũng như trong đời sống văn hóa địa phương (nhà truyền giáo Martín de Braga nói rất giỏi tiếng Hy Lạp).[49][50][51][52]

Ngoài ra, Justinianus đã thành công trong việc thiết lập quan hệ với các vương quốc Kitô giáo Aksum (Ethiopia ngày nay, xem thêm bài Kaleb của Axum). Vào năm 525, vương quốc Aksum đã can thiệp chống lại người HimyarYemen, gây ít nhiều phiền toái cho nhà Sassanid vốn đang theo đuổi lợi ích riêng trong khu vực này và đã chinh phục bờ biển phía nam của vịnh Ba Tư ngay sau khi hoàng đế La Mã qua đời. Tại biên giới phía Nam của tỉnh Ai Cập luôn xảy ra những cuộc chiến với người Blemmer. Dưới thời Justinianus, tằm tơ đã được đưa về từ Trung Quốc, giúp người La Mã có thể tự mình sản xuất lụa, làm giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Ngay cả ở những khu vực Địa Trung Hải không nằm dưới sự kiểm soát của Đông La Mã, sự nổi trội của Hoàng đế thời kỳ đó nhìn chung đã được thừa nhận.

Kết quả

Tác phẩm trung hưng của Justinianus: Ông đã tái chiếm được nhiều lãnh thổ đã mất của đế quốc Tây La Mã

Tham vọng đưa đế chế La Mã về với vinh quang cũ của nó của Justinianus chỉ được thực hiện một phần. Ở phía Tây, những thành công rực rỡ trong những năm 530 đã được tiếp nối bởi giai đoạn trì trệ kéo giài hàng năm trời. Cuộc chiến tranh trường kỳ với người Goth là một thảm hoạ cho Ý, mặc dù các hiệu ứng lâu dài của nó có thể ít nghiêm trọng hơn đôi khi được nghĩ đến.[53] Các loại thuế nặng mà chính quyền áp đặt lên dân chúng của họ đã hứng chịu những phản đối sâu sắc. Thắng lợi cuối cùng ở Ý, cuộc chinh phục Bắc Phi và bờ biển Nam Hispania đã mở rộng đáng kể cương thổ và đế quốc có thể phô trương sức mạnh của mình và loại bỏ tất cả các mối đe dọa trên biển của nó. Mặc dù Đông La Mã đánh mất phần lớn nước Ý chỉ không lâu ngay sau cái chết của Justinianus, nó vẫn giữ lại được một số thành trì quan trọng, bao gồm Rôma, NapoliRavenna, khiến người Lombard chỉ trở thành mối đe dọa trong khu vực. Tỉnh Spania mới thành lập giữ người Visigoth như là một mối đe dọa đối với chỉ riêng Hispania mà không phải phía tây Địa Trung Hải và châu Phi. Những sự kiện trong những năm cuối của triều đại của Justinianus cho thấy rằng chính Constantinopolis cũng không an toàn trước những kẻ xâm lược người rợ từ phía bắc và thậm chí cả nhà sử học khá rộng lượng Manander Protector cũng cảm thấy cần phải thừa nhận sự thất bại của Hoàng đế để bảo vệ thủ đô bằng sự yếu đuối của thân thể lúc tuổi già.[54] Vớ những nỗ lực nhằm trung hưng đế quốc La Mã của mình, Justinianus đã kéo căng nguồn lực quốc gia một cách nguy hiểm trong khi không tính đến những thực tế đã thay đổi của châu Âu thế kỷ thứ VI.[55]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Justinianus_I //nla.gov.au/anbd.aut-an35803615 http://www.anders.com/lectures/lars_brownworth/12_... http://www.byzantium1200.com/justinia.html http://www.pallasweb.com/deesis/constantine-justin... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://www.academia.edu/1013050/Das_Westromische_K... http://faculty.cua.edu/pennington/Law508/Roman%20L... http://www.fordham.edu/halsall/basis/procop-anec.h... http://www.tulane.edu/~august/H303/handouts/Financ... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/...